Mỗi ngày lại có thêm hàng trăm công trình xây dựng quy mô từ nhỏ đến lớn mọc lên trên khắp cả nước. Đây chính là nguyên nhân chính khiến lượng phế thải xây dựng không ngừng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Trước tình hình đó, việc tái chế và sử dụng phế thải xây dựng được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhất bởi những lợi ích không thể bỏ qua.
Vật liệu xây dựng trở thành phế thải khi các tòa nhà và các công trình công cộng, đường phố, đường cao tốc, cầu đường bộ được cải tạo hoặc phá hủy. Phế thải xây dựng thường bao gồm: Bê tông, gỗ, nhựa đường, thạch cao, kim loại, gạch, kính, nhựa, hệ thống cửa ra vào, cửa sổ, hệ thống ống nước, đất, đá. Tuy nhiên, sử dụng vật liệu xây dựng tái chế có lợi cho môi trường, điển hình như nhựa đường hay bê tông tái chế giúp hạn chế việc khai thác thêm tài nguyên hữu hạn trên thế giới để sản xuất vật liệu mới.
Quy trình tái chế vật liệu xây dựng còn giúp giảm đáng kể lượng chất thải đổ ra các bãi chôn lấp địa phương. Trong nhiều năm qua, chính quyền các địa phương đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với việc giải quyết vấn đề quá tải các bãi chôn lấp rác thải hay việc phế thải xây dựng bị đổ trộm khắp nơi. Ngoài việc chiếm không gian lớn tại các bãi chôn lấp, phế thải xây dựng còn khó phân hủy sinh học. Các loại dầu hoặc hóa chất từ nhựa đường cũ có thể thấm vào tầng nước ngầm gây ra ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất.
Việc sử dụng vật liệu xây dựng tái chế còn giúp các nhà đầu tư tiết kiệm đáng kể chi phí cho các dự án. Tiết kiệm chi phí từ khâu khai thác tài nguyên để sản xuất vật liệu mới, tiết kiệm chi phí trong quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí cho các quy trình cơ học, chi phí về năng lượng, nhiên liệu và chi phí lao động. Bên cạnh đó, việc vận chuyển vật liệu tái chế cũng ít tốn kém hơn so với việc vận chuyển nguyên liệu thô. Các vật liệu xây dựng từ các công trình cũ thường được nghiền nát, sàng lọc theo các kích thước khác nhau và có thể được xử lý khi cần thiết. Khối lượng công việc liên quan đến quá trình tái chế vật liệu là tối thiểu.
Hai loại sản phẩm tái chế có khối lượng lớn nhất là bê tông, nhựa đường đều hữu ích và có thể được sử dụng cho một loạt các dự án với các chức năng khác nhau. Nhựa đường được thu hồi có thể được sử dụng ở dạng cốt liệu đã được nghiền nát như một màng bán thấm cho mặt đường hay trở thành vật liệu nền hoặc vật liệu độn.
Bê tông tái chế rất hữu ích khi được sử dụng như vật liệu cơ bản cho các công trình xây dựng thương mại và dân dụng cũng như cho các mục đích xây dựng chung. Trong một số trường hợp, bê tông tái chế nghiền mịn có thể được sử dụng làm vật liệu lấp đầy cho các lối đi hoặc đường mòn. Mặc dù là vật liệu tái chế nhưng chất lượng vẫn đạt tiêu chuẩn so với vật liệu mới. Cả nhựa đường và bê tông tái chế đều duy trì tính toàn vẹn tổng thể khi được xử lý cẩn thận tại các cơ sở uy tín.
Hiện nay, theo thống kê, mỗi ngày TP Hà Nội có khoảng hơn 3.000 tấn phế thải là vật liệu xây dựng được đưa ra môi trường. Lượng phế thải vật liệu xây dựng nhiều trong khi đó Hà Nội chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, chủ yếu thực hiện chôn lấp vừa tốn diện tích vừa gây nguy hại cho môi trường. Một giải pháp tái chế phế thải xây dựng bằng công nghệ hiện đại như những cỗ máy biến chất thải thành vật liệu mới sẽ là lời giải cho vấn đề này.