5 xu hướng của ngành xây dựng trong năm 2022

Nhìn chung, năm 2021 là một năm khó khăn đối với ngành xây dựng. Các công ty xây dựng phải liên tục đối phó với tình trạng thiếu lao động, vật liệu tăng giá và bàn giao dự án không đúng tiến độ.

Tăng tốc hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật

Chi tiêu ngân sách vào việc đầu tư các công trình tính đến ngày 15/12/2021 đạt tổng cộng 193.601 tỷ đồng, tương đương với 28,8% kế hoạch năm. Tuy vẫn chưa đạt mức giải ngân như mong muốn (kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2021 là 671,24 tỷ đồng) nhưng với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 thì ngành xây dựng vẫn đạt được nhiều con số tích cực.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, nhiều công trình xây dựng đang được triển khai là công trình chuyển tiếp từ năm trước sang có tổng mức đầu tư lớn nên các đơn vị thực hiện có nguồn công việc ổn định. Điển hình là giá trị tăng thêm quý IV/2021 tăng 33% so với quý III/2021. Trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng tăng 51%, công trình kỹ thuật dân dụng tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại tăng 25%. Thêm vào đó, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình kỹ thuật dân dụng, xây dựng nhà xưởng chế biến chế tạo tại các khu công nghiệp có xu hướng tăng cùng với sự “ấm” lên của thị trường bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, công trình.

Đặc biệt trong giai đoạn 2022 – 2023, hơn 113 nghìn tỷ đồng sẽ được chi vào việc phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó mục tiêu chính là hoàn thành 13 dự án hạ tầng giao thông chiến lược, bao gồm đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông (giai đoạn 2), một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ với tổng mức chi dự kiến khoảng 103 nghìn tỷ đồng.

Theo dự báo từ VNDIRECT, việc giải ngân vốn đầu  tư công và đẩy mạnh triển khai hàng loạt các tuyến đường cao tốc sẽ tạo cơ hội hưởng lợi cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Xây dựng hạ tầng – Vật liệu xây dựng – Hạ tầng viễn thông trong vài năm tới.

Cơ hội tìm việc trong ngành xây dựng cao

Giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng trầm trọng thị trường lao động của ngành công nghiệp và xây dựng. Đây là sức giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây, trong quý III năm 2021, lao động có việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao luôn là thách thức của ngành xây dựng. Số lượng lao động rời khỏi ngành Xây dựng được dự báo vào khoảng 33% trong vòng 10 năm tới. Tuy các doanh nghiệp vẫn nỗ lực tuyển dụng nhưng vấn đề hiện nay số lượng công nhân lành nghề nghỉ việc ngày càng tăng, trong khi lực lượng lao động trẻ lại heo hút. Trước tình trạng lao động thiếu số lượng, yếu chất lượng các công ty xây dựng sẽ phải tăng cường nỗ lực tìm kiếm, đào tạo và giữ chân những công nhân lành nghề để đáp ứng nhu cầu hoạt động.

Hiện nay công việc xây dựng đang phải chịu nhiều định kiến, được coi là công việc chân tay, chỉ dành cho tầng lớp có dân trí thấp, lương thấp và có tỷ lệ tử vong cao. Chính bởi thế, nó hiếm khi nằm trong danh sách hướng nghiệp của giới trẻ. Tuy vậy quan điểm này chỉ đúng một phần, ở ngành xây dựng vẫn có những vị trí cần trình độ học vấn cao như kỹ sư, chuyên viên tư vấn, thiết kế,… Mức lương của những vị trí này cao và những cơ hội thăng tiến sự nghiệp rộng mở. Ví dụ như lương cơ bản của kỹ sư xây dựng mới ra trường sẽ dao động ở mức 7 – 8 triệu đồng/ tháng. Đối với kỹ sư bậc cao lương có thể được nâng lên 13 – 15 triệu. Nếu có cơ hội hợp tác với các công ty quốc tế, thu nhập hàng tháng có thể nâng lên mức hơn 50 triệu đồng.

Dự báo giá vật liệu xây dựng tăng vọt

Một câu chuyện lớn khác trong ngành xây dựng năm trước là giá vật liệu xây dựng không ngừng tăng mạnh. Chi phí một số vật liệu như xi măng, gạch lót nền, cát xây dựng tăng khoảng 20 – 30%, riêng mặt hàng thép đã tăng 100% chỉ trong vòng 1 năm.

Ngoài ra, tính từ thời điểm vừa kết thúc giãn cách, giá xăng đã trải qua nhiều đợt liên tiếp điều chỉnh, mỗi lít xăng đã tăng lên khoảng 1.900 đồng. Chưa kể theo dự kiến chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt với rủi ro tắc nghẽn đến cuối năm 2022. Thời gian giao vật liệu bị kéo dài gấp đôi, gấp ba hoặc thậm chí lâu hơn khiến chi phí kho bãi ngày càng gia tăng.

Các vấn đề này cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất và thầu xây dựng đau đầu do các chi phí đầu vào ngày càng đắt đỏ, gây áp lực lớn lên giá bán của các vật liệu khác. Nhiều doanh nghiệp phải đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc đề xuất tăng giá thành sản phẩm, hoặc chấp nhận thua lỗ để tiếp tục giữ chân khách hàng.

Tập trung an toàn lao động tại công trường

An toàn tại công trường luôn là chủ đề nóng trong ngành xây dựng. Từ năm này qua năm khác, tỷ lệ tử vong cũng như thương tật của công nhân xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các ngành.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 3.612 vụ tai nạn lao động, tăng 7,85% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, lĩnh vực xây dựng chiếm khoảng 21% tổng số vụ tai nạn và 21,58% tổng số người tử vong. Cũng trong báo cáo đề cập nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động, cũng như chưa cung cấp đủ các thiết bị để đảm bảo an toàn cho nhân công.

Tuy không phải tai nạn lao động nào cũng có kết cục tang thương, nhưng nhiều trường hợp bị nặng khiến nhiều lao động phải nghỉ làm trong thời gian dài khiến năng suất, tiến độ xây dựng công trình bị ảnh hưởng. Cách duy nhất để xoay chuyển tình thế là cần phải giảm số lượng nhân công thương tật và tử vong. Để thực hiện được điều này, mỗi doanh nghiệp đều phải xem an toàn lao động là ưu tiên hàng đầu và siết chặt việc tập huấn nhân sự làm việc tại công trường.

Ứng dụng công nghệ trong xây dựng

Trong khi toàn ngành nổi tiếng là chậm áp dụng và đầu tư vào công nghệ, thế nhưng nhờ đại dịch một số công ty đã có thời gian đưa công nghệ vào bộ máy vận hành và hoạt động kinh doanh của mình. Việc phát triển công nghệ xây dựng sẽ giải quyết một số vấn đề chính của ngành, như an toàn, năng suất và tình trạng thiếu lao động.

Nở rộ nhất là xu hướng sử dụng Drone (máy bay không người lái) để khảo sát địa hình, quản lý chất lượng công trình từ xa,… Qua đó góp phần cải thiện hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là hạn chế được số lượng công nhân phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm.

Quá trình mô phỏng thực tế ảo VR (Virtual Reality) cũng được ứng dụng để đào tạo công nhân xây dựng trên các thiết bị hạng nặng. Trong tương lai, một số doanh nghiệp startup hứa hẹn sẽ phát minh những thiết bị đeo tay có thể theo dõi chuyển động, báo cáo các chỉ số và cảnh báo công nhân về mối nguy hiểm tiềm ẩn tại công trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *